Chuyện Hoàng ở Jogja #1: Đất lạ, người quen

Yogyakarta, cố đô của Indonesia là một thành phố cổ nhưng vẫn có nhiều dấu hiệu của đô thị hóa. Đối với mình, mình thích gọi nơi này bằng cái tên địa phương hơn: Jogja.

Bật chiếc video này để cảm nhận được hương vị Jogja trong lúc đọc bài viết của mình nhé

Nhịp sống ở Jogja, ngỡ nhanh mà lại chậm, chậm mà cũng rất nhanh. Jogja trong mình là một sự pha trộn của Hà Nội và Nam Định (quê ba mình). Không quá xô bồ như Jakarta hay các thành phố lớn, ở đây mình có thể cảm nhận được thiên nhiên với trên là núi, dưới là biển, và Jogja nằm lọt thỏm ở giữa.

img_2406.jpg
Jogja nhìn từ xa trên đồi Tebing Breksi

JOGJA LAMBAT  –  CHẬM RÃI GIỮA KÌ QUAN

(Lambat nghĩa là chậm)

Ngay từ trên chuyến xe đầu tiên được bạn Buddy bên Indo chở về nhà trọ, mình đã cảm nhận được ở Jogja có một cái gì đó xa lạ nhưng rất thân quen. Những biển hiệu trên đường dù được viết bằng tiếng Bahasa (tiếng của người Indo) nhưng kiểu dáng và cách sắp xếp vẫn gợi mình đến những cửa hàng ở Việt Nam, đủ loại từ ăn uống, tạp hóa và buôn bán nhỏ lẻ. Ở đây không có quá nhiều nhà cao tầng, mà là những ngôi nhà liền kề và sàn sàn nhau, chừa lại một không gian để người ta có thể nhìn thấy trọn vẹn một khoảng mây trời.

Thời tiết ở Jogja, cũng thất thường như con gái Hà Nội vậy, sáng nắng chiều mát (không mưa ^^). Ở đây chỉ có hai mùa: mùa nóngmùa rất nóng. Hiện đang là mùa nóng ở Jogja, và vì là thành phố gần biển nên có sự chênh lệch nhiệt độ nhất định giữa ban ngày và ban đêm. Ban ngày ở đây nóng, còn ban đêm thì có thể trở lạnh và dễ ốm nếu chưa quen. Mình vẫn nhớ mấy buổi tối đầu tiên, Buddy chở mình vi vu khắp phố phường mà mình viêm họng luôn vì không mang theo cái áo khoác mỏng nào.

Sở dĩ mình cảm thấy Jogja giống quê ba mình, là vì hôm mình tới đây, rất ít khu có đèn đường đủ sáng vào ban đêm, và các nhà có vẻ đóng cửa kín mít không để chừa khoảng hở để nhìn vào bên trong. Mình cứ ngỡ khu này như toàn nhà bỏ hoang hoặc ít người ở, xong lại có cái biển báo tuyến đường to đùng giống thị trấn Radiator Springs của McQueen 95 với Route 66 huyền thoại vậy. Cảm giác đi dạo buổi tối ở Jogja, nhất là những khu dân cư thưa, rất giống lúc mình hồi bé khi về quê nội để thăm ông bà.

Kết quả hình ảnh cho car mcqueen town radiator springs
Jogja trong mắt mình của những ngày đầu (Cars, Disney)

JOGJA CEPAT – VỘI VÃ TRONG NHỊP SỐNG

(Cepat nghĩa là nhanh)

Sau tuần đầu quen hơn một chút, thì mình đã gần như đang hòa vào nhịp sống ở đây và có cảm nhận nhanh hơn về mọi thứ. Một ngày bình thường của mình sẽ là sáng 6 rưỡi mở mắt dậy ăn sáng trong khi các bạn còn đang ngủ, bắt GOJEK để vào làm lúc 8 giờ, rồi làm full-time cả ngày ở công ty đến 5 giờ chiều mới lại bắt xe về. Trong cái chậm rãi của thiên nhiên, thì con người Jogja vẫn đang vận động vội vã và chăm chỉ lao động để phát triển những start-updoanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) như thế này, đóng góp cho sự tăng trưởng của nền kinh tế Indonesia. Mỗi ngày đi làm mình đều có một niềm vui nho nhỏ và mình cảm thấy may mắn vì đã lựa chọn đi thực tập ở đây (chi tiết về trải nghiệm công việc, mình sẽ viết trong một series bài riêng, stay tuned!)

Kết quả hình ảnh cho JMC IT consultant
Các anh chị trong công ty mình làm

Bên cạnh đó, Jogja gần gũi với thiên nhiên là vậy, nhưng cũng là một thành phố đô thị với những trung tâm thương mại lớn và những khách sạn xa hoa. Có lẽ bởi người ta đến Jogja thường để đi du lịch, đi ngắm đền Borobudur hay Prambanan, rồi đi biển và rời đi, nên những gì to và đẹp nhất ở đây đều dành cho khách du lịch (với một mức giá cũng “ngoại” 😀 ). Còn đối với người Jogja, họ thích ở trong những căn nhà của riêng mình với mảnh vườn nhỏ và ăn những bữa ăn trong các hàng quán bình dân như Nasi Goreng (cơm rang), Bakso (thịt viên), Mie ayam (mì gà), Gudeg, hay là padang, sate, …. (đón đọc series đồ ăn của mình sau nhé).

CON NGƯỜI JOGJA 

Với tâm thế của một thằng low-budget đi thực tập nước ngoài, mình ở trong nhà trọ sát nhà dân nên cảm nhận được khá rõ tính địa phương của con người nơi này. Mình thấy người Jogja rất thân thiện, mỗi lần mình đi qua thì họ đều cười rồi chào, làm gì xong cũng Terima Kasih (cảm ơn) luôn ấy. Và có một điểm đặc biệt ở người Jogja, là họ rất mến khách nước ngoài. Hôm trước đi ăn Sate (thịt xiên) mà mình gọi đồ bằng tiếng Indo, cả quán quay ra nhìn mà cười đến ngại. Xong lúc thanh toán thì có chú người Indo hỏi mình đến từ đâu, “đến Jogja học hả” bằng tiếng Indo mà mình phải mất một lúc mới hiểu chú nói gì chắc chết quá… Khuyến khích mọi người khi đi đâu xa, nhất là mấy nước có nền văn hóa riêng như Indonesia thì hãy tự mình học những câu địa phương đơn giản và tiếp tục trau dồi thêm vốn ngoại ngữ mỗi ngày nha. Tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu nhưng không phải ở đâu họ cũng nói giỏi đâu :<

IMG_2392
Nếu không ăn được đồ bình dân Indo, thì mỏ vàng đây nè =))

Nói cho cùng thì ở đâu cũng có người này người nọ, vùng này vùng kia. Trong quá trình đi GOJEK với tần suất 1-2 lần/ngày và mỗi bác tài có một cung đường khác nhau thì mình đã đi qua nhiều khung cảnh của thành phố miền Trung Java này. Ở góc phố này, mình thấy một Malioboro nhộn nhịp và sầm uất như Tạ Hiện, Bùi Viện, nhưng cũng ở góc phố khác gần đó, mình lại bắt gặp những ngôi nhà sập xệ và những ánh đèn mờ của khu dân cư thu nhập thấp. Ở con đường này, mình bắt gặp rất nhiều xe ô tô và mô tô cá nhân, nhưng ở con đường khác, mình lại nhìn thấy những chiếc xe tải (Pickup Bekas) chở đi cả chục người với con mắt ám ảnh để đến bệnh viện thăm người thân (cái này nghe nói là không phải phương tiện di chuyển hợp pháp, nhưng người dân ở một vài ngôi làng gần đó thương sử dụng cách này để di chuyển đột xuất vì không có phương tiện riêng). Kể đến đây thì lại nhớ Việt Nam, và nhớ những góc phố nhỏ với những người dân đang bươn chải mưu sinh kiếm sống, và mình thấy Jogja cũng thân quen lạ thường.

Trên đây là một vài góc nhìn của mình về nhịp sống và con người ở Jogja. Mình đang dần quen với cuộc sống ở đây và sẽ kể thêm nhiều mỗi khi mình có thời gian viết. Cảm ơn mọi người đã đọc bài viết của mình nhé !!

Terima kasih ^^

Leave a comment